Uncategorized

Bích Câu Kỳ Ngộ

Lời Tựa

Thi Hóa Kinh Hoa Nghiêm

Như Ninh Nguyn Hng Dũng

Kinh Hoa Nghiêm dịch từ Phạn ngữ là Avatamsaka Sutra. Ngài Thiên Thai lập bài kệ, có câu: “Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật…” nghĩa là bộ kinh đầu tiên do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng trong hai mươi mốt ngày sau khi Ngài thành tựu đạo quả Bồ đề, đó là bộ “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”, thường viết gọn là kinh Hoa Nghiêm, bộ giáo điển cao quý của Đại Thừa phái. “Bảy thất nghiêm minh thiền tọa” dưới cội Bồ đề, Ngài nhập “Hải Ấn Tam Muội” hiện Pháp thân Đại Nhật Như Lai để thuyết giảng cho hàng Bồ tát sơ địa đến bậc A La Hán con đường thành Phật. Một tâm niệm trong thiền định thì Bồ tát có khả năng cứu độ được vô lượng chúng sanh, nên hai mươi mốt ngày tư duy thiền quán của bậc toàn giác thì lớn lao chẳng thể nghĩ bàn. Sự siêu việt bất khả luận ngôn này khiến bộ kinh đã phải lưu trữ tại Long vương cung, cho đến khi Bồ tát Long Thọ xuất hiện khoảng 600 năm sau khi Phật nhập Niết bàn, Ngài bèn dùng thần thông xuống tận cung Rồng để đọc tụng, sao chép trăm ngàn bài kệ trong ba tháng hầu mang về truyền bá cho nhân gian.

Hoa nghiêm là đóa hoa tinh khiết đẹp đẽ nhất trên đời; toàn bộ 40 phẩm kinh đi từ vũ trụ quan đến nhân sinh quan mà không bị chướng ngại bởi không gian và thời gian, nó dung nạp tất cả tư tưởng tiến bộ của Đại thừa từ cái nhỏ nhất của hạt bụi đến pháp giới vô cùng tận. Tầm tuyệt đỉnh của tuệ giác là trực chỉ vào bản tánh Phật trong từng người để thấy con đường viên mãn Bồ tát đạo. Đặc biệt phẩm Nhập Pháp Giới thứ 39 với một nhân vật nguyện hiến dâng đời mình để phụng sự đạo pháp, dìu mọi loài chúng sanh đến cảnh giải thoát an vui, biến Ta bà thành Tịnh độ; đó là Thiện Tài Đồng Tử với cõi lòng cháy bỏng vì muốn độ tận chúng sanh mà phải tham cầu đảnh lễ học tập với 53 thiện hữu tri thức. Bằng trí tuệ, Thiện Tài thọ giáo với Đại Trí Văn Thù để khởi đầu ý niệm cầu đạo, đó là kết tinh của sự giác ngộ từng phần chứ không phải là giai đoạn tu chứng đến kết quả cuối cùng, mà từng bước một trong cửa ngỏ của từng tâm thức biến hiện qua từng vị chân sư, kết thúc hành trình tham học đến sự viên mãn là hành trì thực chứng của ngài Phổ Hiền đầy đủ mười đại hạnh. Nhưng dù xa xăm vạn lý như vậy thì 53 cửa thành cũng chỉ là phương tiện mà cứu cánh chính là báo thân Phật. Như đức Phật lịch sử với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, xuất gia, thành đạo, thuyết pháp, Niết bàn cũng chỉ là phương tiện diệu dụng; còn báo thân là phước trí nhị nghiêm thân ở bên trong nên Ngài dễ dàng giáo hóa chúng sanh bởi thân, khẩu, ý đầy trí tuệ và đạo hạnh, hợp khế cơ cho các Bồ tát thực hiện phương pháp tu trì đúng thời đúng pháp, lưu chuyển chân lý thường trụ mãi mãi.

Hoa nghiêm kinh nhằm vạch lối cho Bồ tát thực hành Bồ tát đạo. Riêng các hàng tiểu thừa hay phàm phu thì khó lãnh hội bởi bối cảnh giảng kinh là pháp giới tam muội siêu nhiên; Phật dùng chơn tâm diệu tướng chuyển pháp luân nên chỉ có các bậc Bồ tát sơ địa mới thấu đạt chân lý. Hàng phàm phu thì tâm chứa nhiều tham dục, tiền bạc, ngọc ngà, châu báu, danh vọng, sự nghiệp, vợ đẹp con khôn là chỗ lý tưởng, là chân hạnh phúc. Kẻ thành đạt thì hân hoan, hãnh tiến, người đời ngưỡng mộ. Kẻ thất bại thì khổ đau, cay cú, oán hận thậm chí cho tới chết vẫn còn nuối tiếc, nên dù hoa nở bên đường vẫn không nhận ra sắc màu huyền diệu.

Hiểu Hoa Nghiêm phải liễu tri về Tỳ Lô Giá Na tức pháp thân thường trụ bao gồm những quốc độ thân, chúng sanh thân, ngũ uẩn thân, Thanh văn thân, Duyên giác thân, Bồ tát thân, Như lai thân, trí thân, Pháp thân, không gian thân, nghĩa là tất cả pháp giới đều là Phật thân, như thi sĩ Trụ Vũ trong bài thơ Phật Vào Đời có những câu diễn tả:

         “Phật ngời lên mắt thủy tinh

   Phật thơm trên má cây quỳnh cành dao

Phật phơ phất giữa hàng rào

   Thắm hoa dâm bụt xôn xao nắng chiều

Phật là quê mẹ thương yêu

   Kinh là những tiếng sáo diều của em,

………………

Từng biển thấp, từng non cao

   Ý chi không Phật, lời nào không kinh”

Nói như vậy thì ai trong chúng ta cũng có thể thành Phật nếu thực hiện những giáo huấn từ trong kinh Hoa Nghiêm là phải phát tâm đại bi rộng lớn, tu Bồ tát hạnh và hành Bồ tát đạo viên mãn. Chư Phật đã từng trải thân vô lượng kiếp để cứu độ chúng sanh mới thành Vô thượng chánh đẳng chánh giác; còn chúng ta cũng phải kiên nhẫn phát khởi tâm Bồ đề, dấn thân làm những gì mà chư Phật đã từng hành hoạt trong quá khứ.

Thi hóa kinh Hoa Nghiêm với 3416 câu thơ song thất lục bát tóm yếu chín hội đạo tràng, đặc biệt phẩm Nhập Pháp Giới là bản kinh tiêu biểu cho toàn bộ giáo lý vững chắc của Hoa Nghiêm nên được diễn đạt dài nhất. Đây cũng là ý tưởng siêu thoát của Đại thừa không chấp chặt trong giáo điều, mà tiêu biểu là Thiện Tài Đồng Tử vượt 53 cửa thành để thọ học với các vị thiện tri thức khác nhau về hình tướng, giới phái, đạo đời. Từ Ngài Văn Thù Sư Lợi đến chư vị Thiên vương, Dạ thần, Tỳ khưu, Tỳ khưu Ni, mỹ nhân, Di Lặc Phật rồi cuối cùng là Phổ Hiền Bồ tát; Thiện Tài Đồng Tử từng bước khởi từ chỗ sơ phát tâm đến lúc chứng ngộ viên mãn diệu tâm thanh tịnh bằng những diễn biến trong nội tâm qua từng giai đoạn tiến hóa và chứng ngộ.

Thiện Tài Đồng Tử chính là chúng ta đang loay hoay trong pháp giới hữu tình. Chúng ta thực hành để khởi tâm Bồ đề là phát tâm đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả cứu độ và làm lợi ích tất cả chúng sanh. Đời sống cõi Ta bà đầy ngã chấp, tham lam, sân hận, si mê thì chúng ta ngược dòng bằng sự hy sinh bản ngã, bố thí, cúng dường, nhiêu ích tất cả chúng sanh. Đó là hoa đẹp để tôn nghiêm cõi trần thế, nở bốn mùa không hoại diệt tử sanh, đó cũng chính là Hoa Nghiêm bây giờ và ở đây.

Thi hóa đại tác phẩm Hoa Nghiêm Kinh cũng chỉ là một kiến giải của kẻ đang đi trên con đường học Phật với tâm hồn thanh tịnh không vọng thức, nhưng chắc chắn cũng có chỗ bất đồng với tư duy bác học, vì vậy xin chư vị bỏ qua phần phân tích ngôn tự văn từ vì “y nghĩa bất y ngữ” mà hoan hỷ chỉ giáo thêm cho cánh hoa diệu hạnh đượm hương thiện pháp.

Bốn mươi phẩm Hoa Nghiêm là bốn mươi tàng kinh các, mênh mông như pháp giới hoa tạng nhưng cũng vi tế như hạt bụi chứa cả càn khôn vũ trụ, tùy vào từng tri kiến của thức giả, mỗi chấm phá trên cánh hoa có khả năng thẩm thấu sự đốn ngộ sâu thẩm từng nội tâm một cách diệu dụng. Dù sao mỗi người có mảnh đất tâm riêng biệt thì hạt giống Hoa Nghiêm cũng có thể kết trái không đồng bởi nhân duyên sai khác, nhưng cuối cùng thì phần sâu thẩm của chơn tâm vốn lặng lẽ muôn kiếp cũng phải gặp nhau bởi chỗ bắt đầu đi cũng là nơi chúng ta vừa đến.

Trong kiếp nhân sinh nhị nguyên đối đãi giữa thiện và ác, phiền trược và giải thoát, tham dục và xả ly đã khiến đạo đức nhân loại suy đồi, lương tâm sa sút. Thế giới với đủ mọi chủng tộc, tôn giáo, học thuyết, chủ nghĩa nên mâu thuẫn triền miên, bất đồng nghiêm trọng. Hoa Nghiêm kinh đã có khả năng xóa sạch những ngăn cách, kỳ thị, xây dựng quốc độ an hòa, phồn thịnh xã hội không bằng lối lý luận sắc bén, hùng biện uyên thâm, thuyết phục cải cách bằng vũ lực hạt nhân nhưng bằng sự chứng ngộ tâm linh chân thật, là từng vị Bồ tát làm tiên phong hóa dụ con người về với sự hoàn thiện, lôi cuốn mãnh liệt con người phát khởi niềm tin với sự giải thoát, hầu giúp chúng ta có mục đích hải tạng rộng lớn hơn, không chỉ tu cho chính mình được giải thoát, mà là tâm nguyện giáo hóa muôn loài chúng sanh được giác ngộ trên con đường Phật đạo.

Xin hồi hướng đến vạn loại hàm linh đồng đăng hoa tạng giới.

Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng

San Jose ngày 10 tháng 2 năm 2016

(Mùng Ba tháng Giêng năm Bính Thân)