BICH CAU KY NGO
Lược truyện[sửa | sửa mã nguồn]
Bích Câu kỳ ngộ là một câu chuyện truyền kỳ xảy ra dưới triều Hồng Đức nhà Lê (tức thời vua Lê Thánh Tông, ở ngôi từ năm 1460 đến 1497).[3]
Theo GS. Dương Quảng Hàm thì truyện này có thể chia làm 4 hồi và có nội dung đại để như sau:
- Hồi I. Tú Uyên gặp Giáng Kiều, về ốm tương tư:
Tú Uyên, một thư sinh nghèo, cha mẹ mất sớm. Một lần đến Bích Câu, thấy phong cảnh đẹp bèn làm nhà ở đấy học. Một hôm nhân tiết xuân, Tú uyên đi chơi hội chùa Ngọc Hồ, nhặt được một chiếc “lá hồng” có đề một câu thơ. Chàng định họa lại thì thấy một thiếu nữ tuyệt đẹp trước cửa tam quan, liền đi theo, nhưng đình Quảng Văn thì thiếu nữ bỗng biến mất. Về nhà, chàng ngày đêm tưởng nhớ người đẹp đến sinh bệnh.
- Hồi II. Tú Uyên kết duyên cùng Giáng Kiều:
Một người bạn học là Hà sinh đến thăm, khuyên chàng không nên tơ tưởng nữa, nhưng Tú Uyên vẫn không sao quên được. Chàng đến đền Bạch Mã bói thẻ. Đêm ấy, chàng nằm mộng thấy một vị thần dặn sớm mai ra đợi ở Cầu Đông. Hôm sau, Tú Uyên ra cầu đứng đợi đến chiều tối, thì thấy có một ông lão bán tranh tố nữ mà hình dạng giống hệt người thiếu nữ đã gặp hôm trước. Chàng liền mua bức tranh về treo ở thư phòng. Cứ đến bữa ăn, dọn hai cái bát, hai đôi đũa, mời người trong tranh cùng ăn.
Một hôm Tú Uyên bận việc ở trường nên về muộn. Về nhà thấy có một mâm cơm thịnh soạn bày sẵn, chàng lấy làm lạ nhưng vẫn ngồi vào ăn. Hôm sau chàng giả bộ đi đến trường, nhưng đi được một quãng liền quay trở lại nhà, nấp vào một chỗ. Một lát sau, một thiếu nữ từ trong tranh bước ra lo việc bếp núc, nhà cửa. Tú Uyên mừng rỡ, bước ra chào hỏi. Thiếu nữ cho biết tên là Giáng Kiều, vốn là người cõi tiên, vì có tiền duyên với chàng nên xuống hạ giới. Nói rồi, nàng hóa phép ra lâu đài nguy nga với đầy đủ người hầu hạ.
- Hồi III. Giáng Kiều giận Tú Uyên bỏ đi, sau lại trở về:
Vợ chồng sống hạnh phúc trong ba năm, thì Tú Uyên đâm ra rượu chè say sưa. Giáng Kiều khuyên can nhưng vô hiệu, bèn bỏ đi. Đến lúc tỉnh rượu, Tú Uyên hết sức đau khổ và hối hận. Một hôm vì tuyệt vọng, chàng định quyên sinh thì Giáng Kiều bỗng hiện về tha lỗi cho chồng. Hai người lại sống với nhau mặn nồng hơn xưa.
- Hồi IV. Tú Uyên và Giáng Kiều lên cõi tiên:
Sau hai vợ chồng có được một con trai, đặt tên là Chân Nhi. Nghe lời Giáng Kiều, Tú Uyên học phép tu tiên. Một hôm sau khi dặn dò Chân Nhi ở lại cõi trần, hai vợ chồng cùng cưỡi hạc bay lên cõi tiên.
Nhận xét[sửa | sửa mã nguồn]
Bích Câu kỳ ngộ là câu chuyện tình mang màu sắc hoang đường…Nhưng phía sau câu chuyện tình là một vấn đề xã hội. Tác phẩm bộc lộ một quan niệm nhân sinh muốn thoát ly thế giới thực tại…Tư tưởng yếm thế này ít nhiều cũng đã thể hiện cái nhìn phê phán xã hội của tác giả trong hoàn cảnh một đất nước loạn lạc, chiến tranh, đầy dẫy bất trắc…Mặt khác, ở đây cũng là một xu hướng giải tỏa tâm thức của những con người lúc bấy giờ: muốn rời bỏ đạo Nho mà tìm đến Phật giáo và Đạo giáo…
Về hình thức, Bích Câu kỳ ngộ là câu chuyện thuần túy Việt Nam, với những tên đất, tên người Việt Nam. Nhờ đó, âm hưởng dân tộc của truyện khá đậm nét. Hơn nữa, tác phẩm còn đạt tới một bút pháp nghệ thuật tinh vi: kết hợp tả cảnh với tả tình (có những chỗ còn táo bạo trình bày cả quan hệ nhục cảm) và khắc họa thành công tâm trạng nhân vật…Đặc biệt, ngôn ngữ truyện trong sáng, giàu hình ảnh và nhạc điệu do biết vận dụng tục ngữ, ca dao và nhất là tiếp thu những thành tựu của ngôn ngữ Truyện Kiều [4].