Thơ Văn

Kiều Đàm Di Vẫn Còn Tại Thế

Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng

Nếu hai ngàn năm trăm năm trước không có sự thị hiện của Bồ tát Hộ Minh tại vườn Lâm-tỳ-ni thuộc thành Ca-tỳ-la-vệ của đất nước Ấn Độ, thì làm gì mà ngày nay chúng ta có được  một Bậc vĩ nhân đã tác động phi thường đến con người trong đời sống xã hội, khiến cho nhân loại được sống hòa bình hạnh phúc. Thật vậy, Bậc vĩ nhân ấy chính là vị Đại giác ngộ thành Phật mà chúng ta cung kính đê đầu đảnh lễ xưng tán: Nam Mô Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn.

May thay, sự xuất hiện của Ngài có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội văn minh để củng cố trật tự xứ Ấn Độ xưa kia với quá nhiều phân chia giai cấp, hướng dẫn con người thoát khỏi những khổ đau sanh tử. Bằng tự thân của mình tinh tấn cầu đạo từ những lời di huấn của đức Thế tôn mà biết bao vị chân nhân đã chứng Thánh quả, tiếp tục giáo hóa chúng sanh đi đúng con đường thiện nghiệp.

Trong giáo đoàn của đức Phật đã dung chứa mọi hạng sang, hèn; giàu, nghèo, nam, nữ, sĩ nông công thương… để kiến tạo một quốc độ hòa bình không thù hận, chiến tranh, dứt trừ tham dục, sân hận và si mê, giác ngộ cho kẻ lầm lạc. Nền tảng lời dạy của Đức Phật giúp cho nhân quần xã hội tiến bộ về  văn minh, văn hóa, sống trong hòa bình đồng điệu, đem ánh sáng soi rọi thế nhân vượt qua sự tối tăm, hận thù và đau khổ; tiến tới một cảnh giới diệu kỳ đầy tình thương và hạnh phúc.

Đức Phật ra đời lập nên một giáo đoàn bình đẳng, vị tha, phủ nhận bao giai cấp bất công trong xã hội và đem sư bình đẳng nam nữ đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Với sự cho phép thành lập Ni đoàn, Đức Phật đã mở ra cho phụ nữ con đường tuyệt vời thênh thang trong bước tiến giải thoát tới bậc đại trí, đại ngộ. Hãy nhìn lại người phụ nữ trong Ni đoàn từ trước tới nay là một truyền thống tôn giáo không chỉ thoát khỏi thân phận phụ nữ yếu đuối, lệ thuộc vào nam giới, mà họ còn có thể đạt được chân lý Niết-bàn tối thượng.

Nói tới đây, chúng ta không khỏi cảm niệm công đức lớn lao của Thánh Tổ Tôn Giả Kiều Đàm Di, vị Tỳ kheo ni đầu tiên, bậc thượng thủ, lãnh đạo Ni đoàn thời Phật tại thế, là ngọn hải đăng tỏa sáng trên hai ngàn năm trăm năm tạo nên hàng triệu triệu Tỳ kheo Ni gương mẫu qua bao thế hệ.

Một chút lược sử về Tôn giả Kiều Đàm Di để nhắc nhở chúng ta đang hành hoạt theo Người. Tôn giả sinh trưởng tại Devadaha, nước Câu Ly,  chung biên cương với Ca Tỳ La Vệ, là thứ nữ của vua Thiện Giác, bào muội của hoàng hậu Ma Da và hai chị em đều là vợ của vua Tịnh Phạn.  Hoàng hậu Ma Da sau khi hạ sanh Thái tử Tất Đạt Đa được bảy ngày thì bà từ trần, Kiều Đàm Di trở thành di mẫu, trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng Thái tử khôn lớn.

Khi Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia, thành Phật thì Di mẫu Kiều Đàm Di vẫn ở hoàng cung Ca Tỳ La Vệ với Tịnh Phạn vương. Sau khi thành đạo khoảng ba năm, lần đầu tiên Đức Phật quyết định trở về thăm viếng phụ thân thì Kiều Đàm Di được nghe thuyết pháp, Đức Phật đã giáo hóa cho hàng hoàng tộc, bà đã chứng đắc Sơ quả Tu Đà Hoàn (1) và thấy rõ lẽ thật của cuộc đời đang vận hành qua thành, trụ, hoại, không.

Khi tin vua Tịnh Phạn đang bịnh nặng và hấp hối, một lần nữa đức Phật trở về Ca Tỳ La Vệ để độ cho phụ hoàng tỏ ngộ sự vô thường của kiếp nhân sinh. Sau khi an táng phụ hoàng xong, Đức Phật tiếp tục bước đi hóa độ chúng sinh, thời điểm này Di mẫu Kiều Đàm Di đã xin Phật cho Người được xuất gia làm nữ Sa môn, nhưng sau ba lần thưa thỉnh mà đức Phật không chấp nhận và khuyên Bà nên ở lại hoàng cung nhiếp tâm tu hành. Khi Phật cùng Tăng đoàn rời vương thành đi đến xứ Tỳ Xá Ly thì Di mẫu Kiều Đàm Di cùng với năm trăm Thích nữ tự xuống tóc, đắp cà sa, đi chân trần cũng theo chân Phật bộ hành đến Tỳ Xá Ly. Tại  đây Kiều Đàm Di và các Thích nữ vừa đến với hai bàn chân bị nức nẻ sưng phù, rướm máu, mình mẩy lấm lem bụi bặm, nước mắt đầm đìa, sầu muộn khóc than, đứng ngoài cửa chính. Nhờ Tôn giả A Nan cầu thỉnh ba lần thì đức Phật mới bằng lòng cho họ được xuất gia đứng vào hàng Tỳ Kheo Ni trong tứ chúng đồng tu. Kể từ đấy, Giáo đoàn Tỳ kheo ni được thành lập, do Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di tức Ma Ha Ba Xà Ba Đề đứng đầu, tuân theo sự lãnh đạo của Thế Tôn cùng với sự trợ duyên của chư Tăng. Sau khi xuất gia, Tỳ kheo ni Kiều Đàm Di nghe Phật thuyết pháp rồi tinh tấn tu tập chứng đắc quả vị A la hán (2) với trí tuệ vô song.

Xuất thân từ hoàng cung, Tôn giả Kiều Đàm Di biết cách tổ chức, huấn luyện khéo léo cho Ni chúng hết sức nghiêm mật nên giáo đoàn phát triển nhanh chóng và thực sự lớn mạnh. Nhiều Tỳ kheo ni cũng chứng đắc quả vị A la hán, thành tựu Phật quả. Tôn giả Kiều Đàm Di và năm trăm vị Tỳ kheo ni khác cùng nhập diệt trước khi Đức Phật nhập Niết bàn nên chính đích thân đức Phật đưa nhục thân Kiều Đàm Di đến chỗ hỏa thiêu, lấy gỗ chiên đàn chất lên trên thân di mẫu, chủ trì lễ trà tỳ (3), đồng thời đem xá lợi (4) của Tôn giả Kiều Đàm Di cùng năm trăm vị Tỳ kheo Ni xây tháp phụng thờ.

Thời gian trôi chảy không ngừng, nhưng nếu không có hình ảnh tinh tấn của vị Hoàng hậu xứ Ca Tì La Vệ Kiều Đàm Di năm xưa quyết tâm xuất gia cầu đạo, kiến lập Ni bộ thì ngày hôm nay chúng ta đâu có cơ duyên nhìn thấy sự phát triển lớn mạnh của chư vị Tỳ Kheo Ni khắp năm châu bốn bể này. Đức Phật đã thiết lập tứ chúng: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di trong tinh thần bình đẳng, cùng dòng Thích hòa đồng, khởi thủy cho thế giới văn minh và lịch sử nhân loại hân hoan đón nhận giá trị nhân bản đầu tiên.

Những vị Tỳ kheo đã chứng Thánh quả trong suốt hai mươi lăm thế kỷ qua không kể xiết, nhưng các vị đại Thanh văn (5) Tỳ Kheo Ni chứng quả A la hán cũng không phải ít, các ngài xuất thân từ hàng Hoàng hậu, Công chúa dòng Sát Đế Lợi (6) chí đến những bậc phi phàm của các giai cấp Phệ đà, Thủ đà la (7)…thảy đều chung dòng Thích, đều tắm mát trong tứ vô lượng tâm và được Đức Phật dùng phương tiện quyền xảo giáo hóa bình đẳng với hạnh nguyện lợi tha trên dòng chảy của suối từ.

Bước chân của Công chúa Tăng Già Mật Đa (8) thời vua A Dục (9) đã nở những đoá hoa sen thơm ngát xứ Tích Lan. Cây Bồ Đề mang từ nơi Phật thành đạo đã trồng xuống và bén rễ ăn sâu vào tập tục, tín ngưỡng, văn hoá Sri Lanka (10) là công lớn hàng đầu từ vị Tỳ Kheo Ni Tăng Già Mật Đa cũng như vương hậu A Nổ La (11) xuất gia để đem ngọn đuốc từ bi và trí tuệ thắp sáng cả quốc độ Tích lan là một điển hình.

Tại Việt nam chúng ta có vị Tỳ kheo ni lỗi lạc Thích Nữ Như Thanh (12), ngôi sao bắc đẩu của Ni giới Việt nam thế kỷ 20. Trong chiều dài lịch sử dân tộc bị thực dân Pháp đô hộ, Phật Giáo quyết chấn hưng để đem đạo vào đời, và hình ảnh vị Tỳ kheo Ni Thích nữ Như Thanh là người năng nỗ trong phong trào chấn hưng Phật Giáo, dẫn đến thành lập Ni Bộ trong giáo hội Phật Giáo Việt nam với bản tuyên ngôn được công bố chính thức làm nền tảng cho sự vận hành của Ni chúng Việt Nam đến tận hôm nay.

Sau năm 1975, các vị Tôn đức cùng đồng hành với bước chân người tỵ nạn Việt nam khắp nơi trên hoàn cầu thì hình ảnh quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô mang dòng máu của vị Thánh tổ ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề du hóa tứ phương. Những Ni viện Già Lam được kiến tạo, chốn Phạm Vũ thật huy hoàng với Giới luật nghiêm  minh, khuôn mẫu của oai nghi tế hạnh nên Phật tử cũng như các sắc dân chủng quốc tin tưởng và tuân theo lời Phật qua hình ảnh tuyệt vời của con cháu Tôn Gi ả Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di.

Đạo Phật là đạo thực hành, các Ni xá luôn tôn trọng pháp Lục hòa (13)  nên tinh thần bình đẳng được xiễn dương, đối xữ công minh, khuyến tấn trên đường tu học. Trong tinh thần đó, các tôn đức Ni luôn phát tâm đại thừa, tự độ và độ tha, lập chí tinh tấn tu hành thượng cầu Phật đạo, lập nguyện cứu độ chúng sanh và lập hạnh Bồ tát tu lục độ ba la mật (14). Phải chăng di sản của Thánh Tổ Ni Tôn giả Kiều Đàm Di là dòng suối từ bất biến chảy mãi suốt hai mươi lăm thế kỷ qua cho đến tận ngày mai mà hàng hậu Ni hôm nay đang thừa hưởng ơn đức cao dày khởi thủy từ bậc đại giác Thế Tôn còn đương tại thế.

Nhìn hình ảnh hàng ngày với các Ni sư đang hành Bồ tát đạo: không những trực tiếp đưa bàn tay nâng niu những kẻ bất hạnh bằng công tác từ thiện, mà việc vun bồi trí tuệ bằng pháp thí: mở trường, thuyết pháp, giảng kinh, trước tác, biên soạn Đại tạng kinh, phiên dịch, thiền thi, đạo ca…khiến cho Phật pháp được xương minh;  chúng sanh được cơ duyên ngộ đạo qua nét dịu hiền nhưng nghiêm minh với tấm lòng từ ái chan hòa.

Hoa kỳ có Ni trưởng Ven. Karma Lekshe Tsomo nỗi tiếng bởi sáng lập Hội Phụ nữ Phật giáo Quốc Tế (15). Ni sư Thubten Chodron hoằng pháp ở Mỹ và Canada là hạt giống của Thánh tổ Kiều Đàm Di vừa gieo trồng trong thế kỷ XX.

Thật vậy, ngày nay trên quả đất này hàng hậu duệ của Thánh Tổ Kiều Đàm Di tức Tôn Giả Ma Ha Ba Xà Ba Đề không tài nào tính hết, càng ngày càng mở rộng và nhân lên bởi Đạo Phật là đạo của trí tuệ và lòng từ bi nên rất hợp với tâm tình của các bậc nữ lưu thường nhẹ nhàng, tỉ mỉ, khiêm tốn và kham nhẫn. Những đức tính này dễ đi vào quần chúng và chư  tôn Ni làm nhiệm vụ giáo dục, khai mở huệ tâm cho chúng sanh, đem Phật pháp vào nơi tối tăm là công tác đặc thù ít ai sánh kịp.

Khoa học càng tiến bộ thì Phật pháp càng chấn hưng, nhờ đó mà những người con gái của Thánh tổ Kiều Đàm Di không còn gò bó trong bức tường Ni xá, họ đã vươn tầm ý thức phù hợp với đại bi tâm và lòng khát khao cứu khổ muôn loài nên trí tuệ càng cao minh, hạnh nguyện càng tăng trưởng, do đó sự xả bỏ tham ái, kiêu căng dễ dàng đoạn diệt và tâm bình đẳng tự khắc hiển lộ, mở ra lộ trình Thánh quả cho chư tôn Ni không còn là thiên lý.

Khi tuệ giác khai mở, hai chúng hay bốn chúng chỉ là một chúng, thì Tỳ kheo hay Tỳ kheo Ni nào phải phân biệt làm hai. Đi đến nhất nguyên thì vô nhị, dù Bát kỉnh pháp (16) có là nguyên tắc nhập môn cũng giống như con thuyền đã đến bờ giác ngộ, lý nào mang thuyền đi hóa độ chúng sanh?.

Kính lạy Đức Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di Đương Lai Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Phật, sanh làm người là khó, đủ ngũ căn trí tuệ càng khó mà được biết đạo, tu đạo lại càng hy hữu vô song. Khởi đi từ lời dạy của Sư bà Thích Nữ Nguyên Thanh (17), rằng trò phải viết đôi dòng cho tập kỷ yếu kỷ niệm Thánh Tổ Kiều Đàm Di, y giáo phụng hành, con viết lên đây với lòng kính thành cảm niệm công đức của Đệ Nhất Ni Tôn Giả vô lượng hải hà, bởi cái khó mà con có được bây giờ và nơi đây cũng khởi đi từ đôi chân trần rướm máu mà Thánh Tổ đã cùng năm trăm vị nữ lưu hoàng tộc Thích Ca năm xưa quyết tâm xuất gia cầu đạo tại Tỳ Xá Ly kết nên hạt bụi cho hàng triệu sinh linh như con được tắm mát trong dòng suối từ của hiểu biết và yêu thương.

Thành Kính đảnh lễ Ngài.

Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng

July 15-2019

__________________

Chú thích:

1/ Tu Đà Hoàn:

2/ A la hán:

3/ Lễ trà tỳ :

4/ Xá lợi:

5/ Thanh văn   

6/ Sát Đế Lợi  

7/ Phệ đà, Thủ đà la  

8/ Công chúa Tăng Già Mật Đa   

9/ vua A Dục    

10/ Sri Lanka

11/ Vương hậu A Nổ La  

12/ Thích Nữ Như Thanh  

13/ Lục hòa    

14/ Lục độ ba la mật  

15/ Hội Phụ nữ Phật giáo Quốc Tế

16/ Bát kỉnh pháp

17/ Sư bà Thích Nữ Nguyên Thanh  

Comments Off on Kiều Đàm Di Vẫn Còn Tại Thế